Hotline - Zalo
0358 427 596Hotline - Zalo
0358 427 596Với những người đang gặp vấn đề về thoái hóa khớp gối, việc vận động thường xuyên trở thành mối băn khoăn lớn. Nhiều người sợ rằng đi bộ sẽ làm tăng ma sát ở khớp và khiến cơn đau nặng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, đi bộ lại là phương pháp đơn giản giúp nuôi dưỡng sụn khớp và cải thiện chức năng vận động nếu thực hiện đúng cách. Bài viết dưới đây của Haruco sẽ giải đáp cho bạn thắc mắc: Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?
Nhiều người lo ngại rằng việc đi bộ có thể khiến tình trạng thoái hóa khớp gối nghiêm trọng hơn, bởi hoạt động này sẽ tạo thêm áp lực và tăng ma sát lên khớp gối. Tuy nhiên, trên thực tế, dù khi vận động nhẹ nhàng người bệnh có thể cảm thấy đau và khó chịu, nhưng đi bộ lại là một trong những cách giúp cải thiện tình trạng cứng khớp, hỗ trợ vận động linh hoạt hơn.
Cần hiểu rằng, khớp gối được cấu tạo bởi xương và sụn, trong đó phần sụn không có hệ thống mạch máu nuôi dưỡng trực tiếp. Thay vào đó, sụn nhận chất dinh dưỡng thông qua dịch khớp, và dịch này chỉ được luân chuyển hiệu quả khi khớp thường xuyên vận động. Giống như việc bóp nhẹ một miếng bọt biển để hút nước, mỗi lần di chuyển giúp sụn khớp hấp thụ dưỡng chất tốt hơn, từ đó giảm tình trạng khô cứng và làm chậm quá trình thoái hóa. Vì vậy, đi bộ vừa sức, đúng kỹ thuật và kết hợp nghỉ ngơi hợp lý là biện pháp tốt để hỗ trợ cải thiện chức năng khớp gối cho người bệnh.
Như đã đề cập, việc duy trì vận động nhẹ nhàng là cách hiệu quả giúp tăng cường lưu thông dịch khớp, nuôi dưỡng sụn khớp và giảm bớt tình trạng khô cứng, đau nhức ở người thoái hóa khớp gối. Đi bộ không chỉ giúp duy trì tính linh hoạt và độ bền cho ổ khớp mà còn hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa diễn ra.
Không dừng lại ở đó, đi bộ đều đặn còn mang đến nhiều lợi ích khác cho người bệnh:
Đi bộ giúp đốt cháy calo và hạn chế tích tụ mỡ thừa, từ đó giảm áp lực cho khớp gối. Các nghiên cứu cho thấy, mỗi khi giảm được 0,5kg trọng lượng cơ thể, áp lực tác động lên khớp gối giảm tương đương khoảng 2kg. Việc duy trì cân nặng hợp lý không chỉ giúp giảm đau mà còn làm chậm quá trình tổn thương khớp.
Khi đi bộ, các nhóm cơ quanh khớp gối, đặc biệt là cơ bắp chân được vận động thường xuyên, giúp trở nên chắc khỏe hơn. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng cho khớp gối, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và hạn chế nguy cơ té ngã hay chấn thương. Nếu cơ bắp yếu, khả năng bảo vệ và hỗ trợ khớp cũng giảm đi đáng kể.
Đi bộ nhẹ nhàng giúp tăng cường lưu thông máu đến nuôi dưỡng các khớp, đồng thời hỗ trợ giảm căng thẳng, lo âu và giúp giấc ngủ sâu hơn. Việc duy trì vận động cũng góp phần hạn chế nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và biến chứng do thoái hóa khớp gây ra.
>> Có thể bạn bỏ lỡ: Viêm khớp gối là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Sau khi đã hiểu rõ về lợi ích của việc đi bộ đối với người bị mắc các bệnh liên quan đến khớp gối, điều quan trọng tiếp theo là cần biết cách đi bộ đúng kỹ thuật để vừa cải thiện sức khỏe khớp vừa tránh gây tổn thương thêm. Dưới đây là một số hướng dẫn:
Trước khi lên kế hoạch đi bộ hàng ngày, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ tổn thương của khớp gối. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng vận động và đưa ra lời khuyên về thời gian, cường độ đi bộ phù hợp để tránh làm nặng thêm tình trạng thoái hóa.
Người bệnh nên ưu tiên đi bộ ở những khu vực bằng phẳng, có bề mặt êm, ít dốc và không trơn trượt để giảm nguy cơ té ngã. Các vị trí lý tưởng như công viên, vỉa hè rộng thoáng hoặc đường đi bộ quanh nhà là lựa chọn phù hợp.
Thời gian lý tưởng để đi bộ:
– Buổi sáng sớm: Giúp khởi động khớp gối, giảm cứng khớp sau một đêm dài và tăng sự tỉnh táo để bắt đầu ngày mới.
– Buổi tối: Hỗ trợ tuần hoàn máu, giảm tình trạng đau mỏi và giúp ngủ sâu hơn vào ban đêm. Nên tránh đi bộ vào buổi trưa nắng nóng hoặc khi thời tiết quá lạnh.
Không nên cố gắng đi bộ quá nhiều ngay từ đầu. Người bị thoái hóa khớp gối nên đi bộ nhẹ nhàng khoảng 10–15 phút mỗi ngày trong tuần đầu tiên để làm quen. Khi cơ thể đã thích nghi, bạn có thể tăng thời gian lên 20–30 phút mỗi ngày, tùy khả năng chịu đựng.
Nếu trong quá trình đi bộ cảm thấy khớp đau nhức nhiều hơn hoặc sưng tấy, hãy dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Để quá trình đi bộ diễn ra thoải mái và an toàn, bạn nên lựa chọn những bộ đồ rộng rãi, thoáng mát và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Đặc biệt, hãy ưu tiên các loại giày thể thao mềm, vừa chân, có đệm êm và hỗ trợ giảm chấn cho khớp gối. Tránh mang giày quá chật hoặc đế cứng, dễ gây tổn thương khớp.
Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không. Thực tế, đi bộ nhẹ nhàng, đúng cách không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn hỗ trợ làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý tập luyện với cường độ vừa sức và tham khảo ý kiến bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Haruco chúc bạn sớm cải thiện tình trạng khớp gối và luôn giữ vững đôi chân khỏe mạnh!