Công ty TNHH Rezkin Việt Nam
Công ty TNHH Rezkin Việt Nam

Hotline - Zalo

0358 427 596

Những điều bạn cần biết về viêm khớp gối ở trẻ em

| Tác giả: Mai Chi

Viêm khớp gối ở trẻ em là một bệnh lý xương khớp có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ đang phát triển mạnh về thể chất. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan và chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Vậy viêm khớp gối ở trẻ là gì, có dấu hiệu ra sao và điều trị như thế nào? Hãy cùng Haruco tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

dai-lung-cot-song-haruco

1. Viêm khớp gối ở trẻ em là gì?

Viêm khớp gối ở trẻ em là tình trạng khớp gối bị viêm, sưng đau và tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi mắc bệnh, lớp sụn bảo vệ khớp có thể bị bào mòn, khiến các đầu xương cọ sát vào nhau, gây đau nhức và hạn chế vận động.

Theo thống kê, có khoảng 40% trẻ em gặp các vấn đề về xương khớp, trong đó, viêm khớp gối thường xuất hiện phổ biến ở hai nhóm tuổi: từ 3–5 tuổi và 8–12 tuổi. Dù vậy, thực tế vẫn còn rất nhiều phụ huynh chưa thực sự nhận thức đầy đủ về căn bệnh này cũng như mức độ nguy hiểm của nó.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm khớp gối có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Bệnh có nguy cơ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như biến dạng khớp, chuyển thành viêm khớp mạn tính, thậm chí gây mất khả năng đi lại.

2. Những biểu hiện cho thấy trẻ có thể bị viêm khớp gối

Cha mẹ có thể phát hiện bệnh viêm khớp gối ở trẻ thông qua một số dấu hiệu đặc trưng dưới đây:

– Trẻ thường xuyên than đau khớp gối, cơn đau có xu hướng tăng lên khi vận động. Ban đầu, cơn đau chỉ nhẹ, xuất hiện từng lúc nhưng có thể tái phát nhiều lần trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Một số trường hợp, trẻ phải chịu đựng cơn đau kéo dài suốt nhiều năm và mức độ đau ngày càng nặng hơn.

– Ngoài khớp gối, trẻ có thể bị đau ở các vị trí khác như khớp háng, mắt cá chân, cổ tay.

– Cứng khớp vào buổi sáng, trẻ khó co duỗi chân linh hoạt khi vừa thức dậy.

– Khi di chuyển, khớp phát ra tiếng kêu lục cục hoặc răng rắc.

– Khớp gối có thể bị sưng, phù nề hoặc biến dạng, một số trẻ có phần khớp gối nhô ra bất thường.

– Cơ thể trẻ mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ và sụt cân mà không rõ nguyên nhân.

– Với những trường hợp nặng, trẻ có thể bị sốt cao do viêm khớp gây ra.

dai-lung-cot-song-haruco

3. Các yếu tố thường gặp gây viêm khớp gối ở trẻ em

Viêm khớp gối ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Xương của trẻ phát triển không cân bằng

Ở một số trẻ, xương phát triển chậm hơn so với hệ cơ bắp, dẫn đến mất cân bằng giữa các bộ phận cơ – xương. Điều này khiến các khớp, đặc biệt là khớp gối, dễ bị đau nhức khi vận động và về lâu dài có thể dẫn đến viêm khớp.

Nhiễm khuẩn hoặc virus

Vi khuẩn, virus hoặc tình trạng rối loạn hệ miễn dịch là một trong những nguyên nhân gây viêm khớp gối ở trẻ. Đặc biệt, đây cũng có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý nghiêm trọng như bệnh bạch cầu cấp.

Chấn thương

Trẻ em hiếu động, thường xuyên chạy nhảy, vui chơi nên dễ gặp chấn thương như té ngã, va đập, bong gân, đứt dây chằng chéo, hoặc rách sụn chêm khớp gối. Nếu các chấn thương này không được xử lý đúng cách và kịp thời, có thể dẫn đến viêm khớp gối kéo dài.

Viêm khớp mãn tính

Nếu triệu chứng viêm kéo dài trên 6 tuần, trẻ có nguy cơ mắc viêm khớp mãn tính, thường khởi phát trước tuổi 16. Đáng lưu ý, trẻ gái có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn so với trẻ trai.

Hội chứng bàn chân bẹt

Ở trẻ mắc hội chứng này, lòng bàn chân không có vòm cong mà bị phẳng, làm tăng áp lực lên các dây chằng và khớp gối. Lâu ngày, khớp gối dễ bị lệch trục và dẫn đến viêm.

Thừa cân, béo phì

Trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực lên khớp gối khi di chuyển và vận động. Áp lực lớn kéo dài khiến sụn khớp bị tổn thương và dễ dẫn đến tình trạng viêm khớp.

dai-lung-cot-song-haruco

4. Điều trị viêm khớp gối ở trẻ em như thế nào?

Việc điều trị viêm khớp gối ở trẻ cần được tiến hành sớm và đúng phương pháp để tránh những biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp:

Điều trị theo nguyên nhân bệnh

Trước tiên, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác nguyên nhân gây viêm khớp gối ở trẻ. Sau đó, điều trị sẽ tập trung xử lý nguyên nhân gốc để loại bỏ bệnh triệt để.

Ví dụ:

– Nếu trẻ bị viêm khớp do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút dịch khớp kết hợp dùng thuốc kháng sinh phù hợp.

– Nếu nguyên nhân do bệnh Lyme, trẻ sẽ được chỉ định điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.

Việc điều trị đúng nguyên nhân giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, hạn chế nguy cơ tái phát và biến chứng về sau.

Sử dụng thuốc

Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được kê đơn thuốc để:

– Giảm viêm, giảm đau, cải thiện cảm giác khó chịu tại khớp.

– Ngăn ngừa tổn thương khớp gối và hỗ trợ vận động linh hoạt cho đến khi trẻ trưởng thành.

Tùy vào tình trạng bệnh và thể trạng của trẻ, bác sĩ có thể chỉ định:

– Thuốc giảm đau, kháng viêm

– Khi cần, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chứa corticoid.

Phụ huynh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý điều chỉnh liều lượng hay đổi thuốc để tránh tác dụng phụ nguy hiểm.

Vật lý trị liệu

Song song với việc dùng thuốc, trẻ cần tham gia các buổi vật lý trị liệu và tập luyện vận động phù hợp. Phương pháp này giúp giảm đau, tăng độ linh hoạt của khớp và hạn chế phụ thuộc vào thuốc. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ duy trì vận động nhẹ nhàng với các bộ môn tốt cho xương khớp như: Đi bộ, đạp xe, bơi lội,… Việc tập luyện đúng cách giúp phòng ngừa cứng khớp, cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng cường sức đề kháng.

Can thiệp ngoại khoa

Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa và vật lý trị liệu, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật can thiệp. Đây là biện pháp sau cùng và chỉ thực hiện khi thật sự cần thiết.

Việc chỉ định phẫu thuật sẽ được cân nhắc dựa vào:

– Mức độ ảnh hưởng đến khớp

– Mức độ khỏe mạnh của trẻ ở thời điểm hiện tại

– Khả năng phục hồi sau phẫu thuật

Phẫu thuật viêm khớp gối ở trẻ đòi hỏi sự thận trọng và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro về sau.

dai-lung-cot-song-haruco

5. Biến chứng viêm khớp gối ở trẻ

Viêm khớp gối ở trẻ nếu được phát hiện và điều trị sớm thường không quá nguy hiểm và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh bị bỏ qua hoặc điều trị muộn, trẻ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này:
– Nếu tình trạng viêm kéo dài, chức năng vận động của khớp gối sẽ giảm dần. Lâu ngày, khớp có thể bị mất khả năng vận động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và sinh hoạt của trẻ khi trưởng thành.

– Ít ai biết rằng, viêm khớp gối không chỉ dừng lại ở tổn thương xương khớp mà còn có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là các bệnh van tim nếu không kiểm soát tốt.

– Viêm khớp kéo dài làm hạn chế vận động, khiến các nhóm cơ quanh khớp yếu dần, dẫn đến teo cơ hay bị tràn dịch khớp gối. Tình trạng viêm cũng có thể gây dính khớp hoặc biến dạng khớp, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và khả năng vận động của trẻ.

– Biến chứng nặng nhất của bệnh là khiến trẻ bị tàn phế hoặc bại liệt. Khi đó, trẻ mất khả năng vận động vĩnh viễn và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác trong cuộc sống hằng ngày.

6. Cách phòng ngừa viêm khớp gối ở trẻ

Viêm khớp gối dù ở thể nhẹ cũng gây đau nhức, khó chịu, còn thể nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ về lâu dài. Tuy nhiên, cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ này cho con bằng những biện pháp đơn giản dưới đây:

– Trong giai đoạn phát triển thể chất, trẻ cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu giúp xương chắc khỏe và khớp vận động linh hoạt. 

– Với những trẻ bị thừa cân, béo phì, cần áp dụng các biện pháp giảm cân khoa học và lành mạnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp giảm áp lực lên các khớp, nhất là khớp gối, từ đó hạn chế nguy cơ viêm khớp.

– Lối sống hiện đại khiến nhiều trẻ ít vận động, dễ khiến các khớp yếu và kém linh hoạt. Cha mẹ hãy tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp như đi bộ, bơi lội, đạp xe… giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và cải thiện sức đề kháng.

>> Có thể bạn bỏ lỡ: Mẹo chữa tràn dịch khớp gối dễ áp dụng tại nhà

Hy vọng những chia sẻ từ Haruco trên đây đã giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh viêm khớp gối ở trẻ em. Đừng quên cùng con xây dựng thói quen sống lành mạnh, vận động hợp lý và chăm sóc sức khỏe xương khớp ngay từ sớm để phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả nhé!

Nội dung