Công ty TNHH Rezkin Việt Nam
Công ty TNHH Rezkin Việt Nam

Hotline - Zalo

0358 427 596

Đĩa đệm là gì? Một số bệnh thường gặp ở đĩa đệm

| Tác giả: Mai Chi

Đĩa đệm là bộ phận giảm xóc quan trọng giữa các đốt sống, giúp cột sống linh hoạt. Tuy nhiên, đĩa đệm dễ bị tổn thương do tuổi tác, chấn thương hay thói quen sinh hoạt. Vậy, đĩa đệm là gì và những bệnh lý nào thường gặp ở đĩa đệm? Bài viết này Haruco sẽ làm rõ cấu tạo, chức năng và các bệnh phổ biến liên quan đến đĩa đệm.

dai-lung-cot-song-haruco

1. Đĩa đệm là gì?

Khái niệm

Đĩa đệm là gì? Là bộ phận nằm giữa các đốt sống, đóng vai trò như lớp đệm giảm chấn và giúp cột sống vận động linh hoạt. Cấu tạo đĩa đệm có dạng hình tròn, đường kính dao động từ 1,5 đến 6cm và độ dày khoảng 2 – 10mm tùy vị trí trong cột sống. Mỗi người trưởng thành bình thường sẽ có từ 23 đến 26 đĩa đệm. Khi tuổi tác tăng lên, kích thước và độ đàn hồi của đĩa đệm cũng giảm dần theo thời gian.

Cấu trúc

Một đĩa đệm hoàn chỉnh được cấu thành từ 3 phần chính:

Nhân keo: Đây là phần trung tâm, dạng gel trong suốt, hơi nhầy, chứa nhiều Proteoglycans chất nền đặc trưng của sụn khớp. Nhân keo có khả năng giữ nước rất cao, với hàm lượng khoảng 80% ở trẻ nhỏ và giảm dần còn khoảng 60% khi về già.

Bao xơ: Bao quanh nhân keo là lớp vỏ chắc chắn được tạo thành từ các sợi collagen bện chặt với nhau theo dạng elip. Nhờ đặc tính dẻo và độ đàn hồi tốt, bao xơ giúp bảo vệ nhân keo, đồng thời chống chịu các lực xoắn, lực kéo ngang tác động lên cột sống.

Tấm sụn tận cùng: Nằm giữa thân đốt sống và lớp ngoài của bao xơ, tấm sụn này được cấu tạo bởi nước, Proteoglycans, collagen và canxi. Chức năng của nó là bảo vệ lớp sụn khớp, che chắn xương cột sống và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn xâm nhập vào đĩa đệm.

2. Chức năng chính của đĩa đệm

Dù không chiếm nhiều trọng lượng và thể tích trong cơ thể, nhưng đĩa đệm lại giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì hoạt động ổn định của cột sống. Cụ thể:

Kết nối và liên kết các đốt sống

Cùng với hệ thống dây chằng và cơ, đĩa đệm giúp liên kết các đốt sống thành một khối vững chắc. Nhờ phần nhân keo mềm dẻo nằm bên trong, cột sống có thể xoay, cúi, ngửa và nghiêng sang hai bên một cách linh hoạt, phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt và vận động hàng ngày.

Giảm chấn và phân tán lực tác động

Khi cơ thể vận động, cột sống phải chịu đựng nhiều loại áp lực khác nhau như lực nén, lực xoắn hay va chạm. Lúc này, đĩa đệm đóng vai trò như bộ giảm xóc, hấp thụ và phân tán lực tác động lên cột sống, giúp hạn chế tổn thương cho xương và các mô xung quanh, đồng thời giữ cho cột sống luôn ổn định và chắc khỏe.

Tham gia vào quá trình trao đổi chất

Ngoài chức năng cơ học, đĩa đệm còn hỗ trợ vận chuyển dinh dưỡng thông qua các màng sợi bao quanh. Thành phần Proteoglycans có trong nhân keo và tấm sụn tận cùng giúp chống lại quá trình oxy hóa ở mô sụn, đồng thời hạn chế sự hoạt động của enzyme Elastase, một loại chất trung gian làm thoái hóa sụn khớp. Nhờ đó, đĩa đệm góp phần kéo dài tuổi thọ và độ bền cho các khớp.

3. Một số bệnh thường gặp ở đĩa đệm

Ở phần trên chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu đĩa đệm là gì và vai trò quan trọng trong việc kết nối, giảm chấn và bảo vệ cột sống, khi đĩa đệm gặp tổn thương sẽ kéo theo nhiều vấn đề về xương khớp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động. Dưới đây là những bệnh lý phổ biến liên quan đến đĩa đệm mà bạn cần lưu ý:

dai-lung-cot-song-haruco

Xẹp đĩa đệm

Xẹp đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị ép mỏng và mất đi độ đàn hồi tự nhiên. Ở giai đoạn đầu, đĩa đệm trở nên lỏng lẻo khiến các đốt sống xích lại gần nhau. Khi đó, người bệnh thường chưa nhận thấy dấu hiệu rõ rệt, chỉ có thể xuất hiện vài cơn đau nhẹ thoáng qua.

Khi bệnh tiến triển nặng hơn, đĩa đệm co rút khiến các đốt sống gần như dính liền, gây đau nhức vùng cổ, lưng dưới hoặc khi vận động mạnh. Ở giai đoạn cuối, các đốt sống có thể dính chặt thành một khối xương liền, các cơn đau trở nên thường xuyên hơn, thậm chí lan lên vai, xuống tay hoặc gây hạn chế vận động khi thay đổi tư thế.

Phồng lồi đĩa đệm

Đây là dạng tổn thương khi đĩa đệm bị phồng ra khỏi vị trí ban đầu nhưng nhân keo vẫn còn nằm trong bao xơ, được coi là giai đoạn nhẹ của thoát vị đĩa đệm. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình lão hóa tự nhiên của cột sống, ngoài ra còn liên quan đến chấn thương, vận động sai tư thế hoặc ngồi lâu sai dáng.

Triệu chứng thường gặp:

– Đau lưng, đặc biệt ở vùng thắt lưng.

– Tê bì, châm chích ở vùng cổ lan xuống vai và tay.

– Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở chân, ngón chân.
– Đôi khi đau lan lên trên hoặc xuống đùi.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng khi nhân keo bên trong bao xơ bị tràn ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh và gây đau nhức. Đây là một trong những bệnh lý cột sống phổ biến nhất hiện nay, thường xuất hiện do thoái hóa, chấn thương, mang vác nặng sai cách hoặc bệnh lý bẩm sinh.

Biểu hiện thoát vị đĩa đệm tùy từng vị trí:

– Tại cột sống cổ: Gây đau, cứng cổ, nhức mỏi vai gáy, đau lan xuống cánh tay, bàn tay. Một số trường hợp còn kèm chóng mặt, đau đầu.

– Tại cột sống thắt lưng: Đau lưng dữ dội hoặc âm ỉ, đau lan xuống hông, mông, chân, ngón chân cái khó cử động. Có thể xuất hiện đau dọc thần kinh tọa, tăng khi vận động mạnh, ho hoặc hắt hơi.

dai-lung-cot-song-haruco

Thoái hóa đĩa đệm

Là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa theo tuổi tác, tuy nhiên cũng có thể đến sớm hơn ở người thường xuyên mang vác nặng, ngồi sai tư thế hoặc gặp chấn thương cột sống. Thoái hóa làm mất nước, nứt, rách đĩa đệm và ảnh hưởng đến dây thần kinh cột sống.

Dấu hiệu nhận biết:

– Đau âm ỉ vùng lưng hoặc cổ, mức độ đau tăng khi vận động mạnh hoặc khi bê vác.

– Cảm giác tê bì, ngứa ran ở vùng thắt lưng, hông, mông và tứ chi.

– Cơn đau kéo dài từng đợt, từ vài ngày đến vài tuần, có thể tăng nặng nếu không điều trị kịp thời.

4. Cách giữ cho đĩa đệm khoẻ mạnh

Để bảo vệ và duy trì sức khỏe của đĩa đệm, việc xây dựng những thói quen sinh hoạt hợp lý hằng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là những nguyên tắc bạn nên áp dụng:

Giữ cân nặng ổn định

Trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ tạo thêm áp lực lên cột sống và đĩa đệm, làm tăng nguy cơ tổn thương và thoát vị. Vì vậy, kiểm soát cân nặng hợp lý giúp giảm gánh nặng lên cột sống và hạn chế nguy cơ bệnh lý.

Duy trì thói quen vận động

Tập thể dục thường xuyên giúp cơ bắp quanh cột sống chắc khỏe, hỗ trợ tốt cho đĩa đệm và giảm thiểu áp lực cho các khớp. Ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng như tập yoga trị đau lưng, pilates, các động tác giãn cơ lưng và tăng cường cơ bụng để giúp cột sống dẻo dai, linh hoạt hơn.

dai-lung-cot-song-haruco

Chỉnh tư thế đúng khi ngồi, đứng và nằm

Việc giữ tư thế chuẩn giúp phân bổ đều trọng lượng cơ thể, tránh dồn áp lực lên cột sống. Khi ngồi nên giữ lưng thẳng, sử dụng ghế có tựa lưng tốt hoặc ghế thiết kế công thái học. Ngủ nên chọn gối và đệm có độ lún vừa phải để hỗ trợ đường cong sinh lý của cột sống.

Nâng vật nặng đúng cách

Thay vì cúi gập người, hãy khụy gối và dùng sức từ đôi chân để nâng đồ vật. Cách làm này giúp giảm áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng, hạn chế nguy cơ đau nhức và chấn thương.

Uống đủ nước mỗi ngày

Đĩa đệm chứa hàm lượng nước lớn để duy trì độ đàn hồi. Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp bảo vệ cấu trúc và chức năng của đĩa đệm hiệu quả.

Ăn uống lành mạnh

Tăng cường thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau xanh, trái cây, các loại hạt, đậu và ngũ cốc nguyên cám. Những dưỡng chất này giúp hạn chế viêm, đồng thời kích thích cơ thể sản sinh collagen – thành phần quan trọng trong nhân nhầy và bao xơ của đĩa đệm, giúp duy trì độ bền và dẻo dai cho cột sống.

>> Có thể bạn bỏ lỡ: Bật mí những tác dụng của đai lưng cột sống

Hy vọng rằng, những thông tin trong bài viết Haruco đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan và toàn diện về đĩa đệm là gì, giúp bạn nâng cao ý thức phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan, từ đó duy trì một cột sống khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Nội dung